Thứ năm - 03/06/2021 00:35
Khám Phá Di tích Lăng mộ Hoàng Gia Gò Công Tiền Giang | Thuê Xe Cần Thơ
Chi tiết tin
Giếng ngọc ở Lăng Hoàng Gia
Vào cuối thế kỷ thứ 16 ông Phạm Đăng Long (cha ông Phạm Đăng Hưng) theo cha từ Quảng Ngãi vào vùng Gò Công, là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích. Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Qui), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Quy nên quy tập mồ mả 3 đời về đây và xây nhà ở gò đất này.
Hiện nay, tại lăng Hoàng Gia, phía sau nhà thờ, nơi nền nhà xưa vẫn còn cái giếng cổ, nước trong vắt và ngọt lịm. Đến nay vẫn chưa ai xác định chính xác giếng nước này được đào từ năm nào, chỉ biết rằng nó được cho là báo hiệu của một điềm lành, gắn liền với dòng họ hoàng tộc danh tiếng Phạm Đăng.
Có điều lạ là đến mùa khô, các giếng khác kể cả ao làng sâu 10m đều cạn hết, riêng giếng này không sâu nhưng ngay mạch nước nên nước lúc nào cũng có. Ngày xưa, người dân ở xã Long Hưng đều dùng nhờ giếng nước này. Điều lạ nữa là khi Hoàng Thái hậu Từ Dụ được sinh ra, nước ở giếng này càng ngọt hơn.
Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng
Phạm Đăng Hưng là con thứ ba của ông Phạm Đăng Long, sinh ra tại Gò Sơn Quy vào năm 1764. Ông là người thông minh, văn võ song toàn đã từng làm quan Thượng thư dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, được triều đình bổ làm Lễ sinh ở Phủ, sau đó được thăng Lại bộ Tham tri. Đến năm 1824 được sắc phong Lễ bộ Thượng thư, năm 1825 ông được giao phó giữ kinh thành Huế. Nhân dân thường gọi là Phạm Đăng Hưng là ông “Ba Bị” vì lúc làm “Điền tuấn quan” đi đâu ông cũng mang theo ba bị hạt ngũ cốc để phân phát cho nông dân nghèo những khi thiên tai, hạn hán, bão lụt.
Vua Minh Mạng rất khâm phục tài đức của Phạm Đăng Hưng nên đã kết thành thông gia hai lần với ông: gả công chúa cho Phạm Đăng Thuật (con trai Phạm Đăng Hưng) và phong tước Phò mã đô úy; cho thái tử Miên Tông (vua Thiệu Trị) kết duyên với con gái ông Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ).
Năm 1825, Phạm Đăng Hưng bị bệnh mất tại Huế, được vua Minh Mạng thăng hàm “Vinh lộc đại phu, trụ quốc hiệp biên, đại học sĩ, thụy trung nhã” và đưa về an táng tại Sơn Quy.
Một năm sau khi Phạm Đăng Hưng mất tức năm 1826, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng nhà thờ và lăng mộ ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng. Khu lăng mô được xây theo kiến trúc phong thuỷ dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ.
Năm 1849, khi vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc Công đã cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình.
Vào năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi, chuẩn bị vào viếng lăng nên cho trùng tu. Đến năm Khải Định 1921, trùng tu một lần nữa mang nét Á – Âu kết hợp và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Ngày 2/12/1992, Bộ Văn hóa – Thông tin có quyết định công nhận Khu Lăng mộ Hoàng gia là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Kiến trúc độc đáo
Nhà thờ và mộ Phạm Đăng Hưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn mang đậm phong cách truyền thống dân tộc qua các mảng chạm khắc trên mộ và trang trí bên trong nhà thờ bằng những điển tích rút ra từ “tứ linh, tứ quý” theo quan niệm phong thủy của người Á Đông. Toàn bộ khu lăng mộ nằm trọn trong khuôn viên mát mẻ, có khá nhiều sứ đại cổ thụ, hoa lá cảnh vật bao bọc theo kiểu không gian nhà vườn xứ Huế.
Cổng vào
Nhà từ đường có mười trụ cột chính giữa, lớn nhất được thiết kế thành hai hàng song song như những đôi bàn tay khổng lồ vươn lên chống đỡ toàn bộ lăng. Những đường hoành, rui, mè đều được thiết kế vô cùng sắc sảo, độc đáo, vững chắc bởi các loại gỗ quý được vận chuyển từ cố đô Huế vào. Có lẽ vì thế mà theo thời gian những cây cột ngày càng trở nên bóng đẹp và cổ kính hơn.
Đức Quốc Công Từ xưa
Đức Quốc Công Từ nay
Kiến trúc lăng hiện nay mang nét Á – Âu kết hợp
Điểm đặc biệt nhất của lăng có lẽ là việc sử dụng hoàn toàn chất liệu gỗ để xây dựng, không thể nào tìm ra được một cây đinh nào trong việc gắn kết các các thanh gỗ, kèo, cột ở đây. Tất cả đều được đục mộng tra vào nhau một cách tinh xảo đến tuyệt vời. Người xem khâm phục biết bao bàn tay và nghệ thuật xây dựng cũng như kiến trúc của các nghệ nhân xưa.
Trong nhà thờ có đặt nhiều biển đại tự để thờ: Gian chính giữa thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng; gian tả thờ ông Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng; gian tả ngoài cùng thờ ông Phạm Đăng Tiên (cố); gian hữu thờ ông Phạm Đăng Dinh (nội); hai cuối bên hữu thờ ông Phạm Đăng Khoa (sơ).
Gian thờ chính
Mộ Phạm Đăng Hưng táng trên gò cao có hình dáng mai rùa. Mộ không xây theo kiểu “ngưu phanh, mã phục” mà được xây theo kiểu dáng “đỉnh trụ” hình bát giác, trông vừa như chiếc nón lá vừa như búp sen.
Mộ phần của ông Phạm Đăng Hưng trước đây – Ảnh chụp Gò Công xưa 1920-1929
Mộ phần của ông Phạm Đăng Hưng nay
Mặt sau mộ, xây bình phong hình bán nguyệt, trên có chạm 4 con rồng, dưới có 5 con kỳ lân. “Ngũ đại thành xương – Tường lân ống hiện” (Năm đời danh giá tốt đẹp – Điềm lành kỳ lân hiện ra).
Vòng quanh mộ ông Phạm Đăng Hưng có một số phù điêu trang trí như búp sen, cá hóa long… lại mang phong cách điêu khắc phương Tây. Những bức phù điêu trang trí trên mộ được xây dựng thêm vào thời vua Khải Định.Có lẽ ông Vua Khải Định đã có một “tư vấn viên” người phương Tây nào chăng?
Cùng nằm trên khuôn viên Lăng còn có hệ thống mộ dòng họ Phạm Đăng được chôn theo một trục dài, toàn bộ đều làm bằng hồ ô dước, bao bọc chung quanh bằng một lớp tường dày và cao 90cm, các ngôi mộ tổ bố cục đơn giản theo hình vuông hoặc chử nhật).
Trong khuôn viên lăng còn có giếng nước cổ xây bằng gạch vồ. Qua hàng trăm năm, nước trong giếng luôn đầy và trong vắt.
Giếng nước cổ
Ly kỳ tấm bia ngự ban
Đến thăm mộ ông Phạm Đăng Hưng, từ ngoài bước vào, du khách sẽ bắt gặp bên trái có một nhà bia. Bên dưới là tấm bia bằng đá trắng Quảng Nam, đã mòn theo thời gian, nhưng thật kỳ lạ: phía trên có hình cây thánh giá màu đen, bên dưới là dòng chữ Pháp ghi “Đây là nơi an nghỉ của Trung úy Barbé”. Nhìn sâu vào trong là một bài văn bia chi chít chữ Hán?
Bia đá này do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vô Gò Công. Nhưng cái bia đá mất tích một cách bí hiểm. Đến lúc trùng tu lăng Hoàng gia, năm 1899, vua Thành Thái cho dựng nhà bia bên phải (từ ngoài nhìn vào) bằng đá hoa cương. Nội dung tấm bia này giống y tấm bia Tự Đức ban cho ông ngoại.
Xem thêm: Thuê xe du lịch Cần Thơ