Khám phá Cù Lao Ông Chưởng – Chợ Mới | Thuê Xe Cần Thơ

Cù lao Ông Chưởng Tên một địa danh dân gian bao gồm phần lớn diện tích của huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên.

Chi tiết tin

Rạch Ông Chưởng là nơi tiếp giáp sông Vàm Nao, rạch uốn khúc, chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, dài 23km. Rạch lấy nước sông Tiền ở đầu thị trấn Chợ Mới qua 6 xã: Long Điền A, Long Điền B, Long Kiến, xã Kiến An, Kiến Thành và Long Giang, rồi đổ nước vào sông Hậu tại đỉnh cua cong của cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên)

Đứng trên cầu Ông Chưởng, có thể quan sát một phần rạch Ông Chưởng uốn mình, len lỏi vào từng thớ đất, mang dòng nước ngọt đầy ắp phù sa vào các kênh, rạch nhỏ hơn. Với đê bao khép kín, từ năm 2000 nông dân Chợ Mới đã làm lúa 3 vụ. Ngoài ra, còn có vùng đất Kiến An nổi tiếng trồng nhiều loại rau màu, không những cung cấp nhu cầu tại địa phương mà còn chuyển đi các vùng lân cận.

 

Làng nghề mộc chợ Thủ

Nếu đi từ trung tâm huyện Chợ Mới, cặp rạch Ông Chưởng, men theo Tỉnh lộ 946 sẽ đến ấp Long Tân (xã Long Điền B) – ngôi làng nổi tiếng bao đời với nghề tranh kiếng. Tranh kiếng nghĩa là vẽ trên tấm kính thành bức tranh với đủ màu sắc, thể loại như tranh núi non, rồng phụng hoặc cảnh làng quê, tranh thờ tiên, đức Phật… Những bức tranh do các nghệ nhân sáng tạo ra không chỉ là nghệ thuật, mà còn là những tình cảm thân thương đối với quê hương, đất nước, là sự tôn kính đạo hiếu, lễ nghĩa truyền thống đã để lại. Dù là tranh vẽ bằng tay hay tranh kéo lụa, các nghệ nhân luôn mong muốn mang tâm tình của người dân cù lao Ông Chưởng đi khắp mọi miền đất nước.

Làng nghề tranh kiếng

Vùng đất cù lao Ông Chưởng không chỉ nổi tiếng với những làng nghề, mà với sự cần cù, nông dân còn trồng các loại lúa, rau củ, cây ăn trái. Mô hình trồng dâu của người dân tại ấp Mỹ Thuận (thị trấn Mỹ Luông) vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là một địa điểm “check-in” cho giới trẻ có những giây phút “sống ảo” hấp dẫn.

Vườn dâu

Những cánh đồng xanh mướt, ao sen dọc 2 bên tuyến Tỉnh lộ 944 (đường đi kênh Cựu Hội), tham quan vườn táo, vườn bưởi da xanh ruột hồng tại xã Hòa An. Cầu Mỹ Luông – Tấn Mỹ đã nối liền 2 bờ cù lao Ông Chưởng và cù lao Giêng, tạo điều kiện cho du khách ngắm nhìn toàn cảnh vùng sông nước, với những mảng màu xanh thẳm của lục bình trôi, thấp thoáng là những nhà bè nuôi cá trên sông.

Cầu Mỹ Luông – Tấn Mỹ

Tham quan cù lao Ông Chưởng, du khách còn có cơ hội tìm về bản sắc văn hóa dân tộc, tìm hiểu về lịch sử mở mang vùng đất cù lao tại các đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Có thể nói trên đất cù lao Ông Chưởng có rất nhiều miếu thờ Nguyễn Hữu Cảnh mà người dân trân trọng gọi là “Dinh thờ Ông Lớn” hoặc “Dinh Ông”, còn tên chính thức thì tùy theo từng dinh. Ở cù lao Ông Chưởng có hai dinh quan trọng: Dinh Ông Long Kiến và Dinh Ông Kiến An. Dinh Ông Kiến An về sau vì đất lở nên chia hai, thêm Dinh Ông thị trấn (Chợ Mới).

 

Dinh Ông Long Kiến

 

Dinh Ông xã Kiến An

 

Ghé thăm chùa Tây An thuộc xã Long Giang, trước kia là Cốc của ông Đạo Kiến sau đó Đoàn Minh Huyên đến tu và trị bệnh cho dân. Chính nơi đây Đức Phật Thầy chỉ dạy cách thờ phượng lễ bái cùng cách thức tu hành cho môn nhơn đệ tử. Điều đặc biệt hơn hết, tấm trần điều được thờ lên nơi ngôi Tam Bảo thay thế cho tượng Phật đầu tiên là ở ngôi cổ tự này.

Tây An Cổ Tự – Chợ Mới – An Giang

Có dịp du lịch An Giang, khám phá cù lao Ông Chưởng chắc hẳn mọi người sẽ có cảm giác yên bình thư thái, mang đậm dấu ấn của vùng sông nước. Cùng với phong cảnh đẹp, vườn cây ăn trái sum suê, di tích lịch sử được lưu giữ bao đời, những làng nghề truyền thống được làm nên từ những con người tài hoa, cần cù và giản dị, Cù Lao Ông Chưởng thực sự là điểm đến thú vị.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc