Thứ hai - 05/04/2021 15:55
Khám Phá Chùa Lá Sen (Chùa Phước Kiển) Đồng Tháp | Thuê Xe Cần Thơ
Chi tiết tin
Cổng vào chùa
Nếu đã có dịp du lịch Đồng Tháp, đừng bỏ qua cơ hội được ngắm loại lá sen vua này nhé. Để đến chùa, bạn đi theo tuyến quốc lộ 80, qua chợ Nha Mân thì rẽ trái, đi đường ven sông, hỏi người dân về cây cầu gỗ để đến chùa Lá Sen hoặc chùa Phước Kiển.
Tượng Quan Âm
Chùa Phước Kiển nằm ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, được thành lập trước thời vua Thiệu Trị. Theo sư trụ trì Thích Huệ Từ thì trước đây ngôi chùa rất lớn, uy nghiêm, sở hữu không gian khoáng đãng, thanh tịnh, mát mẻ, Phước Kiển Tự còn từng là cơ sở hoạt động cách mạng. Tuy nhiên không may là vào năm 1966, bom đạn chiến tranh đã làm sập hoàn toàn ngôi chùa. Sau năm 1975, chùa được xây lại với kiến trúc đơn giản không cầu kỳ bao gồm: cổng vào, tháp thờ Phật Quan Âm và chính điện.
Ba bức tượng ý nghĩa “Không nói lời ác- Không nghe lời ác – Không xem điều ác”
Những hố bom được các sư thầy trong chùa dùng làm hồ sen. Vừa khỏa lấp được vết tích của chiến tranh vừa có chỗ để khách du lịch tham quan. Trong ao sen có một loài sen kỳ lạ và hiếm thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước Đông Nam Á.
Ao sen ở chùa Phước Kiển có hình vuông tượng trưng cho đất, lá sen có hình tròn tượng trưng cho trời. Lá sen khổng lồ, to như những cái nia, vành cong gần cả tấc tay, nom rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc chắn bạn sẽ hồ nghi rằng, đây chỉ là lá sen làm bằng nhựa hoặc bên dưới lá có sắt thép chống đỡ.
Được biết, loài sen này xuất hiện trong ao của nhà chùa từ năm 1992 và tồn tại cho đến bây giờ. Không ai biết tên gọi chính xác của chúng nên người ta thường gọi bằng nhiều tên khác nhau. Có người gọi là sen vua, có khi gọi là súng nia, cây nong tầm,…chính vì có loài sen lạ nên người dân thường gọi chùa bằng cái tên dân dã “Chùa Sen Vua” hay “Chùa Lá Sen”…,
Tìm hiểu thì loại sen này có nguồn gốc từ vùng Amazon, tên khoa học là Victoria regia. Sen lá to, dày và có nhiều gai. Chính đặc điểm này giúp cho cây thích ứng với môi trường sống, tránh sự tấn công của các loài động vật dưới nước.
Lá sen vua đặc biệt ở một điểm là có thể co rút theo mùa. Vào mùa khô lá chỉ tầm khoảng 1 mét nhưng vào mùa nước nổi lá to với đường kính từ 3 đến 4 mét. Phần mép lá cao hơn mặt nước khoảng từ 3 đến 5cm, hình dáng của chúng tựa như chiếc nón quai của những cô gái làng quan họ. Vào mùa con nước nhảy bờ, lá sen to có thể dễ dàng chứa được một người trọng lượng 70 – 80 cân mà chỉ làm chao nhẹ mặt nước. Còn vào mùa khô, lá sen chỉ to khoảng 1 – 1,5m.
Có người ví phiến sen khổng lồ như chiếc nón quai thao của các cô gái miền Bắc. Mặt trên của lá nhẵn bóng màu xanh nhạt, còn mặt dưới nhiều gai và có nhiều gân lớn, được chia nhỏ thành các ô vuông có màu đỏ nhạt khi còn non và thẫm dần khi lá già.
Mùa nước nổi tháng 9 – 10 chính là lúc thích hợp nhất để bạn đi ngắm “sen vua”. Bởi lúc đó, lá sen ra nhiều, to, dày dặn, bao phủ kín mặt ao. Vì lá sen rất giòn, dễ bị rách nên nếu muốn đứng lên, trước tiên bạn phải đặt một cái mâm thiếc mỏng lên trên, sau đó bước chậm rãi vào đúng tâm.Du khách tham quan hồ sen miễn phí, nhưng để ngồi lên lá sen chụp ảnh thì có người dân sống gần đó làm dịch vụ, bắc ván gỗ đưa bạn lên lá, rồi chụp ảnh.
Chen lẫn vô vàn lá sen khổng lồ trên mặt nước là những bông sen trắng tinh khôi hé nở, điểm xuyến đâu đó là một vài bông sen màu hồng sẫm đang dần úa tàn.
Hoa sen nở trong 3 ngày và mỗi ngày nở 2 lần, chuyển màu liên tục. Hoa nở lần đầu vào khoảng 6 giờ tối, tỏa hương thơm ngát đến 12 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 3 giờ hoa lại nở, đến khoảng 4 – 5 giờ chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm.
Không chỉ nổi tiếng với loài sen đặc biệt này, chùa Phước Kiển còn hấp dẫn du khách với câu chuyện còn lưu lại về rùa thần và hạc thần. Năm 1948 có người mang đến tặng chùa một con rùa. Con rùa này suốt ngày cứ quanh quẩn bên vị sư hằng ngày nghe tụng kinh niệm phật. Đến năm 1966, chiến tranh tàn phá khiến cho chùa tan hoang, rùa bị bắt mất nhưng sau đó tự bò về chùa.
Đến năm 1999, trong chùa xuất hiện một con hạc và nó rất hay đậu trên lưng rùa nhưng sau đó, có ý kiến bắt chim hạc về khu bảo tồn. Từ đó về sau, người ta không thấy chim hạc xuất hiện nữa, chim hạc bay đi, rùa cũng qua đời. Sư trụ trì ướp xác rùa và đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa.