Chủ nhật - 11/04/2021 21:41
Khám Phá Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak An Giang | Thuê Xe Cần Thơ
Chi tiết tin
Với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi lớn, An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường; nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là di sản quốc gia.
Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak – Điểm đến ấn tượng của An Giang
Thánh đường Mubarak tọa lạc trên một khu đất rộng, bên bờ Châu Giang, thuộc ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang (trước đây là xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Người địa phương thường gọi nôm na các thánh đường Hồi giáo ở đây là chùa. Từ bến phà Châu Giang, bạn rẽ tay trái là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình này.
Cổng đi vào
Thánh đường được xây dựng khá sớm, từ năm 1750 bằng gỗ lợp lá. Tính đến nay, thánh đường đã trải qua 4 lần xây dựng và sửa chữa lớn. Lần xây dựng gần nhất vào năm 1965, theo phong cách kiến trúc các kiểu thánh đường ở các nước Trung Đông. Thoạt nhìn, thánh đường Mubarak mang đến cảm giác choáng ngợp vì vẻ lộng lẫy và những họa tiết lạ mắt nhưng không kém phần tinh tế.
Thánh đường theo phong cách các kiểu thánh đường ở các nước Trung Đông
Thánh đường Mubarak được thiết kế theo dạng 1 tòa nhà rộng, có những dãy hành lang dài thẳng tắp, với gam màu chủ đạo là xanh và trắng. Bên trên dọc theo hành lang là những bức tường được trang trí các họa tiết cùng với những dòng chữ Chăm được trích từ kinh thánh Qur’an. Mubarak được xem là một thánh đường có lối kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng làng Chăm Châu Giang. Kiến trúc công trình thể hiện đường nét riêng, mang đậm văn hóa Hồi giáo nói chung và văn hóa của người Chăm ở Nam bộ nói riêng.
Hành lang
Từ ngoài nhìn vào thánh đường chúng ta sẽ nhìn thấy cổng chính có hình vòng cung, phía trên nóc có một tháp lớn 2 tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi giáo. 4 góc trên nóc thánh đường đều có 4 tháp nhỏ, giữa nóc thánh đường có 2 tháp bầu tròn nhô cao.Từ cửa chính của thánh đường trở ra 2 bên, mỗi bên có 2 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m, bên trái và phải mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m.
Hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi giáo
Là nơi thường xuyên tập trung đông người đến cầu nguyện nên thánh đường có khá nhiều cửa ra vào cùng 8 cây cột chắc chắn ở bên trong. Những chiếc cột theo dạng trụ tròn này được thiết kế to nhưng cân đối, đều đặn. Bên trong thánh đường hết sức rộng lớn và thoáng mát được thiết kế đơn giản nhưng phải có hậu tẩm. Hậu tẩm được thiết kế là vòm lõm sâu vào tường sao các tín đồ khi cầu nguyện luôn hướng về phía mặt trời lặn, đây là nơi dành riêng cho các vị Imam (người chủ lễ) có nhiệm vụ hướng dẫn các tín đồ làm lễ.
Kiến trúc đậm Hồi Giáo và văn hóa của người Chăm Nam Bộ
Bên cạnh hậu thẩm là một bục cao còn gọi là “minbar” dành cho người thuyết giảng giáo lý trong các buổi lễ thứ sáu hàng tuần. Bốn bề của bức vách bên trong thánh đường được tô điểm bởi màu trắng và xanh, nền được lát gạch, trần nhà treo những chùm đèn điện sáng rực tô điểm thêm vẻ trang trọng, tôn nghiêm. Lúc ấy, lòng du khách khoan khoái lạ thường, tín tâm trỗi dậy, lòng tà tiêu tan.
Không gian bên trong thánh đường
Hàng năm, thánh đường tổ chức 3 kỳ lễ lớn: lễ sinh nhật giáo chủ Muhammed ((người sáng lập đạo Hồi) vào ngày 12/3 Hồi lịch, lễ Roja (lễ hành hương đến thánh địa La Mecque) vào ngày 10/12 Hồi lịch, lễ Ramadan (tháng ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến 30/9 Hồi lịch. Trong những ngày lễ lớn này, người Chăm tề tựu về hành lễ tại thánh đường rất đông, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở đây.
Thánh đường lung linh về đêm
Với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm màu sắc tôn giáo của người Chăm và những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của đạo Hồi mà thánh đường Mubarak đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là kiến trúc nghệ thuật vào ngày 5/12/1989.
Thánh đường Mubarak đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia
Ngoài ra, khi du khách khám phá tại đây có thể bắt gặp các hàng rong với món ăn đặc trưng mang đậm nét văn hoá của của cộng đồng người Chăm (An Giang). Đó là những thức quà vặt dân dã như bánh tằm, chuối hấp, xôi sắn…Trên tay với những món ăn ngon lạ, hấp dẫn thì sẽ không lo thiếu năng lượng để tiếp tục hành trình khám phá thêm những điều thú vị của mảnh đất An Giang Bảy Núi nhé các bạn.
Xem thêm: Thuê xe Cần Thơ An Giang